Huyện Châu Thành A: OCOP hướng phát triển mới đối với hợp tác xã, doanh nghiệp
Với sự sáng tạo và nhạy bén, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Thành A đã biến những sản phẩm có giá trị thấp từ sữa dê sang sản phẩm phô mai dê, Yaourt sữa dê có giá trị cao hơn; từ trái mãng cầu xiêm có giá 10.000đồng/kg thành sản phẩm trà có giá trị cao hơn 350.000đồng - 400.000đồng/kg; từ trái bưởi non dạt của nhà vườn cơ sở Trần Đệ chế biến thành sản phẩm bưởi non sấy giòn ngọt thơm ngon; từ thịt heo đơn thuần thành sản phẩm lạp xưởng Mỹ Yến có giá trị kinh tế cao,… với sự sáng tạo đó, đến nay huyện Châu Thành A có 11 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, đây là những sản phẩm rất đa dạng, độc đáo và mang bản sắc riêng của địa phương.
Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu tổng quát là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh ở nông thôn chính là động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam. OCOP là chương trình kinh tế có giá trị xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm phát triển sinh kế, đời sống và việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện Châu Thành A có 11 sản phẩm được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, bao gồm Sữa dê thanh trùng Ngọc Đào, Yaourt sữa dê Ngọc Đào, Sữa chua dê sấy khô (sấy thăng hoa), Phô mai sữa dê Ngọc Đào, lạp xưởng Mỹ Yến, nước mắm cá đồng HGA đạt tiêu chuẩn 4 sao; hai sản phẩm Trà mãng cầu của cơ sở Phước Tâm và cơ sở Nhan Hà đạt tiêu chuẩn 03 sao và sản phẩm Bưởi non sấy Trần Đệ, chanh muối Kim Phượng, mắm cá rô phi HGA đạt tiêu chuẩn 03 sao. Với sự sáng tạo và nhạy bén, các cơ sở đã biến những sản phẩm có giá trị thấp từ sữa dê sang sản phẩm phô mai dê, Yaourt sữa dê có giá trị cao hơn; từ trái mãng cầu xiêm có giá 10.000đồng/kg thành sản phẩm trà có giá 350.000đồng -400.000đồng/kg; từ trái bưởi non dạt của nhà vườn cơ sở Trần Đệ chế biến thành sản phẩm bưởi non sấy giòn ngọt thơm ngon; từ thịt heo đơn thuần thành sản phẩm lạp xưởng Mỹ Yến có giá trị kinh tế cao,… Các sản phẩm trên rất đa dạng, độc đáo và mang bản sắc riêng đã góp phần phát triển thêm các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của các địa phương, tăng thu nhập cho người dân.
Với mục tiêu Chương trình OCOP của huyện là phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân.
Trong thời gian tới, để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm OCOP của huyện, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương trong nước; đồng thời lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng xuất khẩu tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm, tăng cường các hoạt động giao thương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP một cách bền vững.
Tác giả: Phạm Thị Hồng Tươi - Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A