Cây giống sầu riêng Monthong (sầu riêng dona)

Mã sản phẩm
NSHG433155
Xuất xứ : Hậu Giang, Việt Nam
Giá sản phẩm : Liên hệ

Mô tả

Yêu cầu khí hậu và đất trồng sầu riêng Nhìn chung khí hậu và đất đai tại Việt Nam thích hợp với hầu hết các giống sầu riêng, đặc biệt từ miền trung trở vào phía nam, các khu vực trồng sầu riêng trải đều từ Tây Nguyên (đất đỏ bazan), đến đồng bằng sông Cửu Long (đất phù sa). Ở miền bắc một số khu vực có thể trồng sầu riêng tuy nhiên năng suất và sinh trưởng thường không ổn định. Các thông số cụ thể cho đất trồng và khí hậu đối với cây sầu riêng như sau Đất trồng sầu riêng phải thoát nước tốt, không ngập úng, không nhiễm mặn, pH của đất từ 5-6. Kết cấu đất phải tơi xốp, giàu mùn. Tầng canh tác từ 1m trở lên. Nếu trồng ở vùng đất phù sa phải tiến hành đắp mô đào mương để hạn chế ngập úng Về khí hậu: Phải có sự phân chia rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng, mùa nắng không kéo dài quá 4 tháng. Lượng mưa trung bình trong năm phải từ 1500-2000mm/năm. Độ cao so với mặt nước biển không yêu cầu quá khắt khe, từ 300m trở lên là trồng được sầu riêng Về gió và ánh sáng: Sầu riêng là cây gỗ lớn, tán rộng, nên cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng, không nên trồng mật độ dày, trồng xen với các loại cây lớn, xung quanh vườn nên trồng các cây chắn gió để hạn chế gãy cành, tăng tỷ lệ đậu quả… Lựa chọn giống sầu riêng Các giống sầu riêng được thị trường ưa chuộng hiện nay hầu hết là sầu riêng có nguồn gốc từ Thái Lan (Sầu riêng Dona, sầu riêng Mon thon) hoặc Malaysia (Sầu riêng Musang King)… Các giống trong nước thì có giống Sáu ri (còn gọi sầu riêng RI6), đây đều là các giống có năng suất cao, cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng… nhiều ưu điểm nổi trội. Thị trường tiêu thụ rộng, phù hợp trong nước lẫn xuất khẩu. Nếu có ý định trồng sầu riêng để kinh doanh thì bà con nên chọn các giống vừa nêu, riêng giống Dona – Monthong, mùa vụ 2017 giá thu mua tại vườn lên đến 80.000đ/kg. Giá trị kinh tế rất cao

Hướng dẫn sử dụng

Mật độ trồng sầu riêng Trồng thuần: khoảng cách 8 x 8m hoặc 8 x 10m. Tương đương 125 – 156 cây/hecta Trồng xen (cà phê, ca cao): Khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Tương đương 70 – 100 cây/hecta Chuẩn bị đất trồng – hố trồng sầu riêng Hố trồng sầu riêng có kích thước 60 x 60 x 60cm, đất xấu thì có thể đào 70. Mỗi hố ta bón 25-30kg phân chuồng hoai mục + 0,3-0,5kg lân + 0,2kg NPK (16-16-8 hoặc 20-20-10) + 10-20g thuốc Basudin / Furadan (chống mối, côn trùng) trộn đều với lớp đất mặt, lấp đầy hố, tưới đẫm nước và ủ trong vòng 15-30 ngày trước khi trồng Riêng đất ở vùng đồng bằng, cần tiến hành đắp mô và đào mương. Mỗi mô đất rộng 5-7m, bên cạnh đào mương sâu 1-2m rộng 2-3m. Có thể điều tiết được lượng nước trong mương. Trên mỗi mô đất cũng bổ sung thật nhiều phân chuồng, tro trấu, để tăng độ mùn và giúp đất tơi xốp. Kỹ thuật trồng sầu riêng (cây con) Sau khi đã chuẩn bị hố trồng được 1 tháng ta tiến hành trồng cây con vào hố. Khi trồng cần nhẹ tay cắt bỏ lớp nilon bầu ươm, tránh làm vỡ bầu Đặt cây con vào chính giữa hố. Miệng bầu ngang bằng mặt đất (nếu đất hơi trũng thì mặt bầu cao hơn mặt đất 5-10cm, đất đốc thì trồng sâu hơn 5-10cm). Lấp đất và nén nhẹ xung quanh bầu, phần gốc cần cao hơn xung quanh một chút để tránh đọng nước Sau khi trồng cần tưới đẫm nước, cắm cọc cố định cây, nếu gặp trời nắng phải dùng tàu lá dừa hoặc lưới nilon để che nắng cho cây. Trồng mùa khô cây đỡ bị sâu bệnh nhưng bù lại phải thường xuyên tới nước, do đó thời điểm tốt nhất để trồng cây là khoảng đầu mùa mưa (tháng 4-6DL). Chăm sóc cây sầu riêng mới trồng Giai đoạn 1-3 năm đầu cây sinh trưởng tương đối chậm, cần chăm sóc kỹ để giữ cho cây khỏe mạnh, tạo dáng cân đối. Tưới nước: Mùa khô 7-10 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới vừa đủ để giữ độ ẩm cho đất, kết hợp tủ gốc bằng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo… Có thể đánh bồn xung quanh gốc để tiện cho việc tưới nước, phần gốc cần vun cao tránh đọng nước Làm cỏ: Thường xuyên dọn cỏ thông thoáng, đặc biệt là phần gốc, tránh cỏ dại rậm rạp dể phát sinh các bệnh nấm, côn trùng ẩn nấp tấn công cây. Thời gian đầu cây còn nhỏ có thể xen canh các loại cây họ đậu (tán thấp, tránh cạnh tranh ánh sáng và không gian sinh trưởng của cây) để tăng thu nhập và tăng độ mùn cho đất Bón phân: Mỗi năm bón bổ sung vào đầu mùa mưa mỗi gốc 15-20kg phân chuồng, đào rãnh theo hình chiếu của tán cây xong lấp lại. Phân đa lượng dùng NPK có tỷ lệ N (đạm) và P (lân) cao để kích thích cành, rễ phát triển. Năm đầu tiên bón 2 tháng 1 lần, mỗi lần 100g. Năm thứ 2 trở đi bón 0,8 – 1kg/gốc/năm chia làm 4-6 lần. Khi bón cần bảo đảm đất đủ ẩm và phải lấp nhẹ phân để tránh bay hơi. Phân trung-vi lượng phun hoặc đổ gốc, mỗi năm 1-2 lần Cắt tỉa cành: Trong khoảng 6-8 tháng đầu tiên cho cây phát triển tự nhiên, sau đó chọn nuôi 1 chồi khỏe nhất (chồi thân, mập, vươn thắng). Khi cây có chiều cao từ 2m trở lên thì cắt bỏ các cành ngang cách mặt đất 0,8 – 1m, giữ cho phần gốc thông thoáng. Chăm sóc cây sầu riêng kinh doanh Sầu riêng ghép sẽ cho quả bói từ năm thứ 4 thứ 5 trở đi, để tránh làm cây mất sức, gãy đổ cành, khi cây ra bói bà con chỉ nên giữ lại mỗi cây từ 5-7 quả, vị trí ra quả sát với phần thân. Các năm về sau số lượng quả sẽ tăng lên, trái cũng nhỏ lại, trung bình từ 2-4kg/trái tùy theo giống. Tưới nước: Sầu riêng từ năm thứ 4 trở đi đã phát triển bộ rễ đủ sâu, lượng nước tưới không cần nhiều nhưng phải đủ, trung bình mùa khô tưới cho cây 2-4 đợt mỗi đợt cách nhau 25-30 ngày. Có thể đánh bồn sâu 10-20cm, đường kính 3-5m xung quanh gốc để tiện cho việc tưới nước Làm cỏ: Giai đoạn cây kinh doanh tán cây đã bắt đầu giao với nhau, cỏ dại sẽ giảm nhưng vẫn phải làm cỏ thường xuyên giữ cho vườn tược thông thoáng, hạn chế nơi ẩn nấp của sâu bệnh và giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây Bón phân: Phân đa lượng – Cây kinh doanh cần rất nhiều phân bón để tăng chất lượng trái, mỗi gốc cần 4-6kg phân NPK/năm. Chia làm 4-6 lần bón. Giai đoạn nuôi quả nên tăng lượng K (Kali) trong phân lên cao để tăng chất lượng quả, tăng tỷ lệ đậu trái. Sau thu hoạch thì giảm Kali tăng Đạm và Lân để cây phục hồi nhanh. Khi bón phân bà con bón theo hình chiếu của tán cây, đất phải đủ ẩm và phải lấp nhẹ để phân để tránh bay hơi. Phân chuồng mỗi năm bổ sung 20-25kg, bón bằng cách đào rãnh đối xứng quanh gốc (khoảng cách so với gốc dựa vào hình chiếu của tán lá xuống đất) bón vào đầu mùa mưa, không bón trùng vào vị trí của năm trước. Phân vi lượng-trung lượng nên bón vào gốc, vì tán cây khi này đã khá lớn, phun qua lá bất tiện mà không hiệu quả. Cắt tỉa cành: Nếu trồng thuần có thể nuôi cành ngang từ 1,5m trở lên, hãm ngọn khi cây đạt chiều cao 7-10m. Trồng xen thì cành ngang phải cao hơn ngọn cây bên dưới từ 1-2m. Tạo dáng cân đối cho cây, phân tầng mỗi tầng cách nhau 40-60cm, có 3-4 cành cấp 1 tỏa đều ra các hướng. Phòng trừ sâu bệnh cho sầu riêng Sâu bọ: Sâu đục thân, nhiện đỏ, rầy phấn Nấm bệnh: Bệnh xì mủ, thối quả, lở cổ rễ Thu hoạch và bảo quản sầu riêng Tùy theo giống mà thời gian đeo quả trên cây ngắn hoặc dài, thông thường từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch thường kéo dài 4-6 tháng. Nếu lượng quả nhiều cần tiến hành các biện pháp néo, chống để tránh gãy cành Quả thường được thu hoạch khi đủ độ già (gõ vào quả nghe tiếng kêu rỗng hơn bình thường, phần này dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của người trồng) hoặc để cho quả tự rụng (bảo quản được ngắn hơn, nhưng ăn sẽ ngon hơn). Sau khi thu hoạch nên tiến hành vận chuyển đến nơi tiêu thụ ngay, vì quả chín rất dễ bị nứt vỏ, bị lên men, vị sẽ chuyển sang chua, ăn mất ngon, giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra cũng có thể tách phần thịt, cho vào túi ép chân không, bảo quản đông lạnh sẽ để được lâu hơn. Hiện nay đa số sầu riêng xuất khẩu đều bảo quản theo phương pháp này